LUẬT SỐ 10/59 - NGÀY MỒNG 6 THÁNG 5 NĂM 1959
"Trừng phạt sự phá hoại, sự xâm phạm an ninh quốc gia, sự xâm phạm tài sản của nhân dân, và thiết lập Tòa án Quân sự Đặc biệt".
Quốc Hội đã thảo luận và biểu quyết,
Tổng Thống ban hành Luật số 10/59 ngày mồng 6 tháng 5 năm 1959, trừng phạt sự phá hoại, sự xâm phạm an ninh quốc gia, sự xâm phạm tài sản của nhân dân, và thiết lập Tòa án Quân sự Đặc biệt, nguyên văn như sau:
PHẦN THỨ NHẤT - NHỮNG TỘI PHẠM PHÁ HOẠI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA, XÂM PHẠM SANH MẠNG HAY TÀI SẢN NHÂN DÂN.
ĐIỀU 1. Sẽ bị phạt tử hình và tịch thu toàn thể hay một phần tài sản, và nếu là quân nhân thì còn bị tước binh quyền, kẻ nào đã hoặc toan phạm các tội sau đây với mục đích phá hoại hoặc xâm phạm an ninh Quốc gia, hoặc xâm phạm sanh mạng hay tài sản nhân dân:
1.- Cố sát, đầu độc hay bắt cóc,
2.- Phá hủy hay làm cho vô dụng toàn thể hoặc một phần bằng chất nổ, bằng cách đốt cháy hay bằng mọi cách nào khác:
a) Những nhà ở hay dùng để ở, dù có người ở hay không, nhà thờ, đền chùa, miếu vũ, những kho, xưởng, trại và mọi kiến trúc phụ thuộc của tư nhân;
b) Những công ốc, công thự, công sở, công xưởng, kho chứa và nói chung tất cả các kiến trúc các loại thuộc về của công nhà nước và những tài sản, động sản hay bất động sản nào khác thuộc về của công nhà nước hay do nhà nước kiểm soát, hay đặt dưới chế độ đặc nhượng hay công quản;
c) Những thứ tàu đi trên không, trên bộ, dưới nước, các thứ xe;
d) Các hầm mỏ, máy móc, dụng cụ đặt nơi hầm mỏ;
e) Các khí giới, dụng cụ, vật liệu quân sự, các đồn bót, Nha, Sở, kho xưởng và kiến trúc đủ các loại thuộc về quốc phòng hay cảnh bị;
g) Những mùa màng, hoa mầu, những nông súc và nông cơ, những rừng rú đủ các loại;
h) Những hệ thống viễn thông, bưu điện, đài phát thanh, những hệ thống sản xuất và phân phối điện nước, và những nhà hoặc kiến trúc hay dụng cụ thuộc về việc khai thác các hệ thống kể trên.
i) Những đê điều, đập nước, đường giao thông, đường sắt, phi trường, hải cảng, cầu cống hay kiến trúc kỹ thuật về cầu cống hay các đường nói trên;
k) Các sông lớn, sông con mà thuyền bè đi lại được, sông đào.
ĐIỀU 2. Sẽ bị khổ sai chung thân và tịch thâu toàn thể hay một phần tài sản, và nếu là quân nhân còn bị tước binh quyền, kẻ nào với mục đích phá hoại, hoặc xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc xâm phạm sanh mạng hay tài sản nhân dân, đã hay toan phạm những tội sau đây:
1.- Cướp hoặc có khí giới, hoặc từ 2 người trở lên;
2.- Làm gián đoạn sự giao thông trên đường bộ hay đường thủy, bằng cách khủng bố, hăm dọa bằng vũ khí, hay bằng mọi cách khác;
3.- Hăm dọa trực tiếp hay gián tiếp về các việc sau đây: ám sát, đốt nhà cửa, mùa màng, bắt cóc;
4.- Phá phiên chợ hay ngăn cản không cho nhóm chợ;
5.- Phá hủy hay có hành vi phá hoại không được ghi ở những điều khoản trên.
ĐIỀU 3. Sẽ bị những hình phạt dự liệu trong điều 1 hay điều 2 kể trên, những kẻ nào gia nhập một tổ chức, hoặc giao kết với nhau, để giúp đỡ sự chuẩn bị hoặc sự thực hành những tội phạm được quy định ở hai điều này.
ĐIỀU 4. Các chánh phạm, đồng phạm và chủ mưu thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt, như sẽ quy định ở phần thứ hai luật này, không được hưởng trường hợp giảm khinh.
ĐIỀU 5. Sẽ được miễn những hình phạt, hay được giảm khinh về những tội thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt, kẻ nào mà trước khi các tội ấy được thực hành hay toan thực hành và khi chưa có sự truy tố nào, đã báo tin đầu tiên cho Chánh phủ hay nhà chức trách quân sự, hành chánh hay tư pháp biết, hoặc là khi đã có sự truy tố rồi mà giúp đỡ cho bắt được những kẻ phạm tội hay tòng phạm.
Tuy nhiên, những can phạm được miễn hình phạt có thể bị xử phạt quản thúc hay biệt xứ trong một thời gian do Tòa định.
PHẦN THỨ HAI - TỔ CHỨC CÁC TÒA ÁN QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT
ĐIỀU 6. Nay thiết lập 3 Tòa án Quân sự Đặc biệt đặt trụ sở ở Saigon, Ban Mê Thuột và Huế.
Quản hạt Tòa án Quân sự Đặc biệt Saigon là các tỉnh Nam phần. Quản hạt Tòa án Quân sự Đặc biệt Ban Mê Thuột là các tỉnh Cao nguyên Trung phần. Quản hạt Tòa án Quân sự Đặc biệt Huế là các tỉnh Trung nguyên Trung phần.
Tùy theo nhu cầu, có thể thiết lập thêm những Tòa án Quân sự Đặc biệt khác do sắc lệnh. Và sự phân chia quản hạt giữa những Tòa án mới và Tòa án cũ cũng sẽ do sắc lệnh ấn định.
Sự sửa đổi quản hạt sau này sẽ do sắc lệnh ấn định.
Các Tòa án Quân sự Đặc biệt sẽ đặt trụ sở tại trụ sở Tòa Thượng thẩm, Sơ thẩm hay Hòa giải rộng quyền, nếu không có trụ sở riêng biệt, và sẽ xét xử tại đó hay xét xử lưu động ngoài trụ sở nếu cần.
ĐIỀU 7. Thành phần của một Tòa án Quân sự Đặc biệt gồm có:
- Một sĩ quan cấp Tá trở lên, có bằng Luật khoa Cử nhân: Chánh thẩm.
- Đô trưởng, Thị trưởng hay Tỉnh trưởng nơi Tòa nhóm họp hoặc đại diện: Phụ thẩm.
- Một sĩ quan từ cấp Tá trở lên: Phụ thẩm.
Chánh thẩm hay phụ thẩm sẽ do Nghị định của Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng bổ nhiệm.
ĐIỀU 8. Một sĩ quan từ cấp Tá trở lên giữ chức vụ ủy viên Chánh phủ, và một hay nhiều Phó Ủy viên Chánh phủ là sĩ quan cấp Tá.
Các nhân viên sĩ quan trên đây đều do Nghị định của Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng cử ra mỗi sáu tháng. Khi thiếu cấp Tá thì sẽ lấy xuống cấp Úy, nếu không có điều chi ngăn trở.
Mỗi khi cần thì cũng có thể cử ngay những sĩ quan thay thế theo thể thức trên.
ĐIỀU 9. Phòng Lục sự sẽ do một Lục sự trưởng điều khiển với sự giúp việc của một số Lục sự, Thơ ký Lục sự và Thơ ký đánh máy.
Các nhân viên này sẽ được bổ nhiệm do Nghị định của Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng.
ĐIỀU 10. Tất cả các nhân viên đều phải tuyên thệ trước Tòa Phá án trước khi nhận việc. Sự tuyên thệ này là tuyên thệ viết.
ĐIỀU 11. Thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt:
1.- Các vi phạm dự liệu trong các điều 1, 2 và 3 luật này, bất luận bị can là thường dân hay quân nhân.
2.- Các tội gián điệp và phản nghịch, ấn định bởi Dụ số 47 ngày 21-8-1956.
3.- Các tội lũng đoạn và phá hoại nền kinh tế và tài chánh quốc gia, dự liệu bởi Dụ số 61 ngày 3-10-1955.
4.- Những tội có điều luật minh định thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt.
ĐIỀU 12. Khi một việc thuộc thẩm quyền Tòa án Quân sự Đặc biệt thì Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng ra lệnh có viện dẫn lý do để truyền đưa thẳng bị can ra xét xử, không cần mở cuộc thẩm cứu.
ĐIỀU 13. Ủy viên Chánh phủ đọc bản cáo trạng về thẩm quyền của Tòa án và về mọi chi tiết của tội trạng.
ĐIỀU 14. Ủy viên Chánh phủ Tòa án Quân sự Đặc biệt, trong công việc truy tầm các vụ phạm pháp thuộc thẩm quyền Tòa án, được quyền sử dụng tất cả các nhân viên công lực.
ĐIỀU 15. Tòa án Quân sự Đặc biệt sẽ nhóm họp để xét xử trong thời hạn là 3 ngày sau khi nhận được lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng hay Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng, nói ở điều 12. Trát trực tố ra hầu phiên tòa Ủy viên Chánh phủ sẽ tống đạt cho bị can 24 giờ trước phiên xử.
ĐIỀU 16. Bị can có quyền nhờ luật sư biện hộ. Nếu bị can không có luật sư, Ủy viên Chánh phủ hay Chánh thẩm phải triệu dụng một luật sư biện hộ cho bị can.
ĐIỀU 17. Tòa án Quân sự Đặc biệt xử chung thẩm, và án văn không được thượng tố lên Tòa Phá Án.
ĐIỀU 18. Án văn do Tòa án Quân sự Đặc biệt tuyên xử sẽ đem thi hành, theo thể thức được ấn định trong các điều 93 đến 98 bộ Quân luật.
ĐIỀU 19. Trong trường hợp xử tử hình, án văn chỉ được thi hành sau khi đơn xin ân xá bị bác bỏ.
ĐIỀU 20. Nếu cần, một sắc lệnh sẽ ấn định thể thức thi hành Luật này.
ĐIỀU 21. Các điều khoản trái với Luật này đều bị bãi bỏ. Luật này sẽ đăng vào Công báo Việt Nam Cộng Hòa.
Saigon, ngày 6 tháng 5 năm 1959.
Ký tên: NGÔ ĐÌNH DIỆM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét